Chào các bạn,
Do page của chúng ta có nhiều bạn thắc mắc về phần nghe trong TOEIC nên hôm nay mình sẽ viết 1 note để chia sẻ những kinh nghiệm mình đã tích lũy được trong quá trình đi thi.
Trước hết mình xin giới thiệu về bản thân. Mình tên là Hoàng Ân. Mình đã thi TOEIC vào tháng 5/2014 và đạt tổng điểm là 975, trong đó điểm phần nghe là 495/495. Để đạt được điểm số này, mình đã trải qua một quá trình mò mẫm, thử nghiệm và đút rút ra được một số bài học “xương máu”. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn đang chuẩn bị cho kì thi
Những phương pháp luyện nghe thông dụng (và trải nghiệm của mình ^^)
Trước đây phần nghe TOEIC là phần mình cảm thấy “khó nuốt” vì mỗi lần nghe là xong là đủ thứ tâm trạng: bấn loạn (nghe nhiều quá), uất hận (nghe kịp mà đánh sai đáp án) và mệt mỏi (100 câu!!! OMG) . Mình đã google search phương pháp luyện nghe để cải thiện phần này. Dưới đây là những gì mình đã tập thử và trải nghiệm trong thời gian dài
– Nghe thụ động: theo phương pháp này, chúng ta nên tạo ra một môi trường nghe hoàn toàn để “tắm ngôn ngữ”. Qua thời gian, các âm đó sẽ “thấm” vào chúng ta như cách mà người nước ngoài họ “thấm” ngôn ngữ của họ, lúc đó chúng ta sẽ nghe một cách rõ ràng, tự nhiên. Mình làm theo bằng cách mở máy tính cho phát tiếng Anh suốt hàng giờ liền, cả đi ngủ cũng mở ra rả. Kết quả sau mấy tuần thì mình thấy phương pháp này có 2 khuyết điểm. Thứ nhất, phương pháp này khá… tốn điện (mở máy hàng giờ ^^). Khuyết điểm thứ hai quan trọng hơn là mỗi đợt như vậy mình cảm thấy đầu óc mệt mỏi và nặng nề trong khi khả năng nghe vẫn vậy. Đến một ngày nọ, mình đọc được thông tin là có người ở nước ngoài 10 năm vẫn không hiểu được tiếng Anh. Lúc đó mình vỡ lẽ và tự hỏi: “Tại sao người đó ở nước ngoài 10 năm, “tắm ngôn ngữ” hàng ngày mà vẫn không nghe được? Theo lý thuyết kia thì người đó phải nghe như người bản xứ chứ?” Bản thân mình cũng cảm thấy nó không hiệu quả nên đã từ bỏ phương pháp này.
– Chép chính tả: phương pháp này đơn giản như tên của nó: nghe và ghi ra giấy hoặc đánh máy lại tất cả những gì bạn nghe được. Phương pháp này được sử dụng lúc mình ôn thi TOEIC. Mình làm xong một test, sau đó nghe đi nghe lại và đánh máy gần như tất cả nội dung của test. Kết quả là sau đó 4 5 test điểm nghe mình vẫn giậm chân tại chỗ, có bài lại thấp hơn trước. Sau này ngẫm lại, mình nhận ra khuyết điểm của phương pháp, đó là vô tình nó đã khiến chúng ta tạo thành thói quen muốn nghe từng từ và tất cả các từ trong một câu. Trong khi đó, đề thi TOEIC nói rất nhanh, sẽ rất khó để nghe hết tất cả các từ trong một câu. Điều này dễ dẫn đến ức chế cho các bạn và ảnh hưởng tâm lý chung khi làm bài thi. Bên cạnh đó, nếu bạn “lỡ” không nghe được một từ sẽ dẫn đến hiệu ứng domino, không nghe được các từ còn lại, não của bạn sẽ bị quá tải vì nhiều âm thanh vô nghĩa cùng lúc “tấn công”, khiến cho chúng ta có cảm giác nặng nề và buồn ngủ (Chắc ai làm bài nghe TOEIC cũng hiểu cảm giác này ^^) . Nhưng quan trọng hơn, do tập trung nghe từng từ một nên có thể bạn sẽ xem nhẹ hoặc thậm chí không hiểu nghĩa của câu và đoạn. Bên lề một chút là phương pháp này cũng khá… mỏi tay (dù bạn đánh máy hay viết ra giấy) 🙂
Thế là sau 2 đợt thử nghiệm mình cảm thấy nỗ lực của mình như muối bỏ bể, điểm nghe vẫn không tăng. Mình lại tiếp tục tìm hiểu và luyện tập theo cách riêng của mình.
Tại sao chúng ta không nghe được? Và làm sao để khắc phục?
Mình được biết là có 3 nguyên nhân khiến chúng ta không nghe được
– Thiếu từ vựng: Từ vựng là nền tảng của mọi thứ, dù là nghe, nói hay đọc, viết. Listening thì “lời nói gió bay” trong khi TOEIC lại “bay” rất nhanh, phần đọc có thể đoán mò chứ phần nghe rất khó đoán nếu chúng ta có vốn từ vựng hạn chế. Một vốn từ vững chắc sẽ giúp các bạn an tâm và làm bài chính xác, hiệu quả hơn. Vậy thì làm sao để tăng vốn từ? Và học từ vựng ở tài liệu nào?
- Một cuốn sách gối đầu giường của mọi thế hệ đi thi TOEIC (trừ những năm trước khi sách xuất bản ^^) – “600 essential words for the TOEIC”. Giống như tên của nó – “600 từ thiết yếu” – bạn phải có ít nhất 600 từ trong sách để có thể đi thi. Sách chia làm 50 chủ đề và mỗi chủ đề sẽ có 12 từ. Điểm mình đánh giá rất cao cuốn này là bài tập phong phú, các bài tập đều bám sát chủ đề và các từ cần học. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng lại các từ đã học trong những bài sau để giúp chúng ta vừa ôn từ vừa học từ trong ngữ cảnh mới, giúp ghi nhớ sâu sắc hơn. Một điểm mình cần lưu ý các bạn là mặc dù tác giả ghi 600 từ nhưng thật ra còn phần từ gia đình (word family) cũng rất quan trọng vì nếu bạn học từ “expire” (động từ; hết hạn) phiên âm là /ɪkˈspaɪər/ nhưng trong đề thi bạn nghe “expiration” (danh từ; sự hết hạn) đọc là “/ˌekspəˈreɪʃn/” rất khó để các bạn hiểu được nghĩa của từ nếu chưa gặp. Do đó, chúng ta cần học các từ gia đình trong bài (và vì vậy vốn từ thật sự các bạn thu được từ cuốn sách này cũng không dưới 1000 từ)
- Sau khi học cuốn 600 từ, nếu muốn nâng cao thêm các bạn có thể đọc sách “Hackers TOEIC Reading”. Đây là một trong những giáo trình mới nhất và hay nhất hiện nay về TOEIC. Nếu gọi “600 essential words for the TOEIC” là cuốn sách kinh điển thì “Hackers TOEIC Reading” xứng đáng là cuốn sách từ điển J vì độ dày và mức độ bao phủ của nó. Từ vựng trong sách rất phong phú và đa dạng. Điểm đặc biệt là phần cuối sách có liệt kê các từ thường hay xuất hiện trong đề thi thật, và còn đánh dấu những từ nằm ở đáp án. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý là sách này hoàn toàn bằng tiếng Anh, số lượng từ vựng rất lớn (nhiều mục không có chú thích nghĩa), việc học có thể dễ gây nản nếu học không đúng cấp độ hoặc không có người hướng dẫn.
- Nguồn thứ ba mình muốn giới thiệu đó là mục từ vựng (Vocabulary và Collocations) trên page Cùng học TOEIC 990 ^^. Các từ vựng đều trích nguồn từ 2 sách đã kể ở trên nên các bạn có thể yên tâm về mức độ chọn lọc của nó. Đặc biệt, page cũng đã Việt hóa từ vựng sách Hackers và thiết kế lại từ theo dạng điền vào chỗ trống, có màu sắc để giúp các bạn học dễ nhớ hơn.
– Yếu phát âm: Nếu bạn phát âm sai, làm sao bạn có thể nghe đúng được? Do cách học ở phổ thông chú trọng vào ngữ pháp và từ vựng nên chúng ta ít được học phát âm. Một từ nếu nằm trên giấy thì bạn có thể hiểu nghĩa nhưng nếu chúng ta nghe thì có thể sẽ không biết đó là từ gì (Và khi đọc script có thể bạn sẽ vỡ òa trong đau khổ :(). (Về vấn đề phát âm, ad Tiến đã viết một note phương pháp luyện tập. Các bạn có thể tham khảo tại link: )
Mình có một số điểm cần lưu ý với các bạn là ngoài việc học phát âm (tức cách cử động các vị trí như miệng, lưỡi,… để tạo âm) thì chúng ta nên học phiên âm quốc tế, ví dụ như cách phát âm expiration là /ˌekspəˈreɪʃn/. Khác với Tiếng Việt, tiếng Anh không thể đánh vần thành âm được, mỗi từ lại có cách phát âm khác nhau và không theo qui luật, ví dụ như “gear” đọc là “/ɡɪə/” (tương tự chữ “ghia” tiếng Việt) và “bear” đọc là “/beə(r)/” (tương tự chữ “be” trong tiếng Việt). Do đó, chúng ta nên học phiên âm quốc tế để có thể nhìn vào từ điển và biết cách phát âm chính xác nhất. Ngoài ra, khi học phát âm, những hiện tượng như luyến âm, biến âm, đồng hóa, giản lược cũng nên chú ý vì phần Listening cũng có những hiện tượng này, nếu không quen có thể không nghe được mặc dù các từ đơn lẻ chúng ta đều biết.
Một giáo trình phát âm rất hay là Pronunciation Workshop (đã đề cập trong note). Ở đây mình muốn nói rõ thêm với các bạn về tác dụng của giáo trình này. Mình thường đọc được lời khuyên trên mạng là hãy nghe radio, nghe nhạc, xem phim,… bằng tiếng Anh thật nhiều để tăng khả năng nghe. Mình không nghe radio, nhạc cũng chủ yếu tiếng Việt (do không thích nhạc tiếng Anh hiện giờ), xem phim thì thỉnh thoảng. Tuy nhiên, mình đã tập theo Pronunciation Workshop và cảm thấy kĩ năng nghe của mình trở nên tốt hơn nhiều. Pronunciation Workshop là tập hợp video dạy phát âm, cho nên những âm trong đó sẽ ở dạng cơ bản nhất, thuần túy nhất, nếu chúng ta nắm thật vững được cái cơ bản nhất chúng ta sẽ dễ dàng tiến xa. Cho nên mỗi video mình xem đi xem lại 2, 3 lần, trước kì thi mình cũng mở ra xem và tập nói theo (mặc dù đã học và biết cách phát âm trước đó rồi). Tập như vậy sẽ giúp mình phát âm tốt hơn nhưng quan trọng hơn là phát triển khả năngnghe một cách chủ động.
– Không theo kịp tốc độ của người nói: Sau khi đã xây vốn từ, đã học cách làm rõ các âm nghe được, có thể bạn vẫn không nghe được vì bạn nghe không đúng cách.
Như đã nói ở trên, khi nghe nếu bạn cố gắng nghe từng từ chẳng bao lâu bạn sẽ bị mệt vì quá tải, cho nên mình nghĩ phương pháp tốt nhất vẫn là nghe theo key word (từ khóa), những từ quan trọng nhất trong câu. Trong khi nói, người nước ngoài sẽ có những chỗ lên giọng, những chỗ nói to hơn hoặc kéo dài hơn, đó chính là những từ họ cần nhấn mạnh. Vì vậy, key word có thể nghe dựa vào ngữ điệu và nhấn nhá của họ. Từ những key word đó, chúng ta sẽ đoán được nội dung của câu. Ngoài ra, mặc dù nghe key word nhưng nếu nghe quen, sau này bạn sẽ có thể nghe rõ tất cả từ còn lại dựa vào key word. Phương pháp nghe key word sẽ giúp bạn giảm tải được khối lượng cần phải nghe, giúp não luôn chủ động xử lý, tránh bị mệt mỏi mà vẫn nắm được ý nghĩa của bài listening.
Để luyện tập phương pháp key word, các bạn có thể tìm nguồn phát âm nhanh hơn một chút so với đề thi thật để tránh bị bỡ ngỡ. Đối với phần này, mình nghĩ xem phim sit-com là cách tốt nhất vì độ dài vừa phải, nội dung hài hước đỡ nhàm chán và không lo… hết phim (vì 1 season cũng khoảng 20 tập, hết season này lại đến season khác). 2 series ưa thích của mình là
- Friends: phim này thì hầu hết các bạn chắc cũng đã có biết đến. Series gồm 10 season, xoay quanh những vấn đề cuộc sống như tình yêu, hôn nhân, công việc,… giữa 6 người bạn thân. Các nhân vật đều có cá tính riêng, câu thoại hài hước sẽ giúp các bạn tập nghe không bị nhàm chán. Tuy nhiên, do các nhân vật sống khá phóng khoáng theo cách Tây (đôi khi đến mức “buông thả” nếu dựa trên chuẩn mực của Việt Nam) nên có thể làm cho một số bạn bị “sốc” và không thích phim này.
- How I met your mother: đây sẽ là sự lựa chọn thay thế hợp lý cho Friends. Series nói về hành trình tìm kiếm người bạn đời của một chàng trai, bên cạnh anh là những người bạn vui vẻ và tốt bụng. Tương tự như Friends, phim cũng có những tình huống hài hước, vui nhộn, các nhân vật đều sống động và độc đáo. Nội dung phim nhẹ nhàng, ý nhị có lẽ sẽ hợp khẩu vị với các bạn hơn. Các bạn hãy tự phân tích xem mình thiếu yếu tố nào trong 3 yếu tố trên để có biện pháp phù hợp nhé. Việc luyện nghe như vậy sẽ giúp các bạn nâng cao khả năng nghe thuần túy, tuy nhiên nếu có phương pháp và chiến thuật làm bài hợp lý, điểm TOEIC của bạn sẽ còn cao hơn nhiều.
Làm sao để nâng cao điểm nghe TOEIC?
Dưới đây là một số điều mình đã tích lũy được trong quá trình luyện thi:
– Tâm lý vững vàng: đề nghe TOEIC rất dài và các âm thanh được phát ra liên tục, bạn không thể nào dừng lại để nghỉ ngơi. Có những câu bạn sẽ không nghe được nhưng đừng hoảng loạn vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến các phần sau. Nếu lỡ mà đang phân vân giữa hai đáp án thì hãy chọn thật nhanh vì sự phân vân của bạn có thể đánh đổi bằng 2 câu khác. Nếu bạn hoàn toàn không nghe được, vẫn cứ chọn đáp án và chuyển qua phần khác, tập trung vào phần tiếp theo chứ đừng tiếc phần đã qua.
– Có tâm thế đúng đắn khi nghe : hãy luôn quan niệm trong đầu là mình phải luôn nghe ở thế chủ động (tưởng tượng như bạn đang chơi lướt sóng trên biển, những đợt sóng listening cứ hết lượt này tới lượt kia ào tới, nếu bạn không chủ động đón lấy những cơn sóng, bạn sẽ bị nhấn chìm trong đó)
- Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng nhại theo người nói trong máy cho thật giống, càng giống càng tốt (tương tự như cách học phát âm ở phần Pronunciation Workshop). Điều này sẽ giúp bạn tránh được sự lơ đễnh và có được sự tập trung nhất định khi nghe.
- Nghe theo keyword (đã đề cập ở trên): chỉ nghe những từ quan trọng nhất và phán đoán
- Đừng chỉ tập trung nghe và tìm đáp án đúng. Ở đây bạn sẽ đánh giá ngay đáp án đó là đúng hay sai để loại ngay lập tức. Ví dụ đáp án A phát ra, bạn nghe thấy không phù hợp và hãy nói thầm trong đầu “loại”. Cứ tiếp tục như vậy, B “đúng”, C ”loại”, D “loại”… với cách này bạn sẽ có một đáp án chắc chắn và an tâm hơn nhiều so với việc bạn chỉ nghe và tìm câu đúng.
– Có chiến lược và mẹo làm bài ở mỗi phần hợp lý: Phần này hầu như các sách dạy luyện thi đều có hướng dẫn rất chi tiết nên mình chỉ nêu một số điểm quan trọng.
- Part 1 (10 câu miêu tả hình): Ở phần này chúng ta nên thể tận dụng thời gian máy đọc hướng dẫn làm bài để xem lướt qua càng nhiều ảnh càng tốt. Điều đầu tiên cần xác định là bức hình nói về người hay vật, hay cả hai. Nếu bức hình nói về vật (không có ai trong bức hình), chúng ta có thể loại ngay những đáp án có những từ như “people”, “the woman”,”the man”… Nếu bức hình có cả người và vật, hãy đoán thử vị trí của người và vật, chẳng hạn “the man is standing beside the telephone booth”. Nếu bức hình về người, hãy đoán thử hành động của nhân vật trong ảnh và số lượng người, vị trí của họ… Ngoài ra, cũng như trình bày ở trên, bạn nên nghe và loại các đáp án sai kết hợp với chọn đáp án đúng để câu trả lời có thể chắc chắn hơn.
- Part 2 (30 câu hỏi đáp): Phần này cũng tương tự như part 1 là bạn sẽ nghe key word trong câu hỏi để chọn đáp án, đặc biệt chú ý vào từ để hỏi (từ đầu tiên trong câu) để xác định xem đó là dạng câu hỏi gì (WH-question hay Yes/no question, câu hỏi đuôi,… một số trường hợp sẽ không đưa ra câu hỏi mà đưa ra lời khẳng định chung chung.) Sau khi đã nghe được từ để hỏi chúng ta sẽ có một số thủ thuật để loại đáp án:
+ Nếu bạn nghe được key word trong câu hỏi và ở các đáp án trả lời có lặp lại key word hoặc từ nghe tương tự với key word, thường đó sẽ là đáp án “bẫy” và nhờ đó chúng ta có thể loại đáp án.
+ Nếu bạn nghe được chủ ngữ của câu hỏi và câu trả lời khác nhau thì chúng ta cũng có thể loại đáp án ví dụ “Why … he not …. office?” – “It…” (“loại”).
+ Nếu đó là dạng WH-question, bạn nên tập trung nghe xem đó là Who, whom, what, where, when hay why. Dựa vào đó bạn có thể loại một số đáp án chẳng liên quan. Ví dụ, bạn nghe được câu hỏi “Where…?” – Đáp án A bạn nghe được key word “… Monday” (“loại”, đây là đáp án cho câu hỏi When). Đáp án B “Because…” (“loại”, câu hỏi Why). Đáp án C “At…” (“đúng” – đáp án). Ngoài ra, đối với những câu trả lời bắt đầu bằng “Yes,…” hay “No,…” cũng sẽ bị loại vì đây là câu trả lời cho Yes/no question.
+ Nếu đó là dạng câu hỏi lựa chọn “or”, ví dụ “Would you like coffee or tea?” thì chúng ta chỉ cần tập trung vào 2 từ khóa được đưa ra “coffee” và “tea” để lắng nghe vì đáp án chỉ có thể giới hạn ở 2 key word đó.
- Part 3 (30 câu hỏi về 10 đoạn đối thoại): Phần này mức độ khó đã tăng lên. Thay vì nghe những câu riêng lẻ, bạn sẽ nghe cả một đoạn đối thoại. Thay vì trả lời một câu hỏi, bạn sẽ phải trả lời 3 câu hỏi mỗi đợt. Ngoài ra, trong các câu hỏi sẽ có những câu suy luận và câu hỏi bẫy nên phần này sẽ càng thêm khó. Tuy nhiên, với một chiến lược hợp lý, các bạn có thể sẽ thấy phần này còn dễ “ăn điểm” hơn hai phần trước J. Ở giai đoạn này, tinh thần nghe chủ động cần phải lên ở mức cao nhất vì bạn sẽ phải đoán trước khá nhiều (bao gồm phán đoán và đoán mò). Các bước thực hiện sẽ bao gồm:
+ Bước 1: Khi máy bắt đầu phát hướng dẫn, mình sẽ bắt đầu đọc cụm câu hỏi số 1 (mỗi cụm gồm 3 câu). Một số sách có khuyên là hãy đọc trước câu hỏi, tuy nhiên khi mình áp dụng thì không nhớ được câu hỏi đã hỏi gì. Do đó, mình đọc cả câu hỏi và câu trả lời (tính ra bạn sẽ phải đọc khoảng 15 câu trong khoảng vài chục giây nên kĩ năng đọc của bạn phải thật nhanh nhé). Mình không đọc theo trình tự thông thường mà đọc câu ở giữa trong cụm 3 câu trước tiên. Ví dụ, có 3 câu đánh số là 50 51 52, mình sẽ đọc câu 51 rồi đến 52 sau đó quay trở lại câu 50. Lý do là vì câu đầu tiên trong cụm 3 câu thường hỏi chung chung về ngữ cảnh hay nội dung bài đối thoại, các câu sau sẽ hỏi chi tiết. Đôi khi trong những câu hỏi chi tiết có thể “sơ hở” để lộ nội dung của bài đối thoại, nhờ đó chúng ta có thể đoán ngay được đáp án của cả 3 câu. Ngoài ra, những câu hỏi chi tiết cũng sẽ làm rõ nội dung của những câu hỏi chung.
+ Bước 2: Sau khi đọc hết các câu hỏi và đáp án, bạn hãy nhanh chóng suy nghĩ xem đáp án 3 câu đó có liên quan như thế nào. Ví dụ câu 50A gắn với 51C, 52B; 50B gắn với 51B,52D… Từ đó, bạn hãy dự đoán đáp án có thể có. Nếu không nghĩ ra hoặc không kịp, bạn hãy dùng ngón tay đặt trước vào các đáp án một cách ngẫu nhiên. Khi đoạn đối thoại bắt đầu, bạn chỉ cần tập trung vào những đáp án sẵn có mà bạn đã chọn. Nếu máy đọc khác, ngay lập tức dịch chuyển ngón tay đến đáp án phù hợp nhất. Bằng cách này bạn sẽ giữ được thế chủ động của mình, không phải hồi hộp chờ đợi đáp án.
+ Bước 3: Ngay khi đoạn hội thoại kết thúc và máy bắt đầu đọc câu hỏi, nhanh chóng tô đáp án vào giấy dựa vào đánh dấu của ngón tay và chuyển sang cụm câu hỏi số 2. Cứ thế, lặp lại các bước 123.
Phần này đòi hỏi tốc độ làm bài và phán đoán rất nhanh nên các bạn phải luyện tập nhiều mới có thể quen. Vì phải “nhảy cóc” liên tục hết cụm câu này tới cụm câu khác, mình luôn cố gắng giữ cho tâm lý thật vững vàng, nếu lỡ có đoạn hội thoại không nghe được gì hết thì vẫn cứ đánh “lụi” vào đáp án và tiếp tục qua ngay cụm câu tiếp theo. Nếu chần chừ, mình có thể sẽ “mất cả chì lẫn chày”.
- Part 4 (30 câu hỏi về 10 đoạn độc thoại): Phần này cũng tương tự như part 3, các bạn sẽ trả lời 10 cụm câu hỏi (mỗi cụm 3 câu), tuy nhiên part 4 chỉ có một người nói. Về chiến lược và cách làm bài, mình cũng làm tương tự như part 3 (an tâm hơn một chút là phần này hầu như không có bẫy).
– Dừng lại và phân tích nguyên nhân, tích lũy và khắc phục: Mình thường thấy các bạn sắp xếp thời gian chuẩn bị cho kì thi TOEIC như thế này: ôn thi -> luyện đề -> đi thi. Một trong những sai lầm mà mình hay thấy là cố gắng luyện thật nhiều đề chờ cho đến ngày thi mà không dừng lại để xem xét mình còn thiếu những gì. Việc luyện đề giúp nâng cao kĩ năng làm bài và chỉ ra những điểm yếu của bạn, còn kiến thức của bạn sẽ vẫn vậy, không thể nào thay đổi trong một sớm một chiều được. Hãy tưởng tượng bạn muốn tăng thêm chiều cao, bạn không thể nào lấy thước ra đo hôm nay, hôm sau lại đo tiếp xem mình có cao hơn hôm qua không.Thực tế, chúng ta phải ăn uống đầy đủ, tập thể dục qua một thời gian mới có thể đo tiếp được. Mình thấy việc luyện đề cũng giống như lấy cây thước để đo, cho nên nếu bạn cứ đo từ ngày này qua ngày kia không lo ăn uống thì rất khó mà đạt mục tiêu. Do đó, mình nghĩ các bạn nên làm thử 1,2 đề đánh giá xem điểm bao nhiêu. Sau đó tạm dừng việc giải đề, phân tích tìm ra điểm yếu của bạn và nguyên nhân (phía trên mình đã đề cập đến 3 nguyên nhân chủ yếu cùng cách khắc phục). Kế đến các bạn có thể dành thêm một khoảng thời gian để luyện tập, tích lũy kiến thức và cải thiện những phần còn yếu rồi tiếp tục giải thêm 1,2 đề, xem điểm số của bạn có tăng thêm không? Cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến ngày thi. Nói tóm lại, có thể hình dung quá trình chuẩn bị thi như thế này: ôn thi -> luyện 1,2 đề -> phân tích nguyên nhân -> tích lũy -> luyện 1,2 đề -> phân tích-> ….-> đi thi.
– Giữ gìn sự tỉnh táo vào ngày thi: Đề nghe TOEIC rất dài và cần phải giữ sự tập trung cao độ vì chỉ cần chểnh mảng một chút là các bạn có thể bị mất ngay 2,3 câu. Vì vậy, các bạn nên cố gắng giữ sức khỏe cho tốt và tránh luyện quá nhiều đề những ngày gần thi (hãy luyện trước đó cho đều đặn, đừng để dồn đến gần cuối vì lúc đó bạn sẽ bị hoảng loạn và mệt mỏi, kém minh mẫn). Vào ngày thi, đừng ăn nhiều vì sẽ gây nặng bụng và buồn ngủ. Mình đi thi ăn rất ít hoặc là để bụng đói (nghe nói ông Sherlock Holmes khi điều tra vụ án cũng để bụng rỗng cho tỉnh táo nên mình bắt chước theo). Ngoài ra, một mẹo nhỏ nhưng vô cùng hiệu quả là trước giờ thi bạn hãy uống nước tăng lực (Red Bull, Sting, Number one,… Red Bull uống hơi mệt tim, mình thích uống Sting vàng hơn). Bạn chỉ cần uống vào là cảm giác mệt mỏi biến ngay, tinh thần sẽ trở nên tập trung hơn nhiều. Tuy nhiên, mẹo này chống chỉ định với các bạn bàng quang yếu nhé ^^.
0 responses on "BÍ KÍP TỰ HỌC NGHE TOEIC 495/495"